Độc lập Cách_mạng_Ngoại_Mông_1911

Lãnh sự quán Nga tại Khüree

Biết tin về đoàn Mông Cổ đi Nga, triều đình Thanh chỉ thị Tam Đa điều tra. Tam Đa lập tức triệu tập người đứng đầu chính phủ thần quyền của Khutukhtu (Ikh shav’) là Erdene Shanzav, và yêu cầu giải thích. Erdene Shanzav biện hộ rằng ông không tham dự, và tiết lộ toàn bộ âm mưu. Sau đó, Tam Đa yêu cầu rằng Khutuktu rút lại yêu cầu của mình đối với binh sĩ Nga. Khutuktu chấp thuận, với điều kiện là Tam Đa triệt tiêu Tân Chính. Tam Đa đánh điện về Bắc Kinh xin chỉ thị, và được cho biết rằng các nhiệm vụ Tân Chính có thể được trì hoãn.[12]

Thời điểm đã chín muồi đề hỏa giải, song Tam Đa lựa chọn áp bức. Ông ra lệnh cho các thân vương tại Khố Luân ký một tuyên bố rằng chỉ một vài cá nhân chịu trách nhiệm về việc thỉnh cầu Nga. Các thân vương đưa ra một tuyên bố như vậy, song chỉ bằng lời nói. Sau đó, Tam Đa lệnh cho người Mông Cổ không được có tiếp xúc thêm với lãnh sự quán Nga, đe dọa nếu không tuân lệnh sẽ đưa thêm 500 binh sĩ đến Khố Luân và vũ trang cho dân cư Hán trong thành phố. Ông ta bố trí lính gác quang cung điện của Khutuktu với lệnh cấm du khách Nga, và ông ta cử một đạo quân đến biên giới Nga và Mông Cổ nhằm ngăn chặn phái đoàn từ Nga trở về.[13]

Tại Trung Quốc bản thổ, ngày 10 tháng 10 xảy ra khởi nghĩa Vũ Xương và khởi đầu cách mạng Tân Hợi chống triều đình Thanh, các tỉnh lần lượt tuyên bố độc lập với triều đình. Cho rằng vị thế của bản thân không giữ vững được, Tam Đa gửi điện tín cho chính phủ tại Bắc Kinh thỉnh cầu được phép từ nhiệm, song yêu cầu này bị từ chối. Trong khi đó, phái đoàn Mông Cổ đến Nga bí mật trở về, và báo lại những kết quả của chuyến đi cho một nhóm các thân vương và lạt ma. Họ soạn thảo một bản kiến nghị chung đến Khutukhtu thỉnh cầu rằng Mông Cổ nên theo bước các cuộc nổi dậy cấp tỉnh. Ông khuyến nghị rằng người Mông Cổ thành lập một quốc gia của riêng mình.[14]

Phấn chấn trước sự ủng hộ của Khutuktu và triều Thanh sắp sụp đổ, Chính phủ lâm thời Khách Nhĩ Khách được thành lập, đứng đầu là một số quý tộc Khách Nhĩ Khách nổi bật. Ngày 28 tháng 11, chính phủ lệnh rằng bốn bộ (aimag) của người Khách Nhĩ Khách huy động một nghìn binh sĩ mỗi bộ. Gần như ngay lập tức, 500 binh sĩ từ các kỳ lân cận tập hợp tại Khố Luân. Hai ngày sau đó, Tam Đa nhận được một bức thư, ký tên là các quý tộc và lạt ma của Khách Nhĩ Khách, nói rằng họ nghe tin về phong trào ly khai tại Trung Hoa, và rằng binh sĩ người Hán của “đảng cách mạng” đang chuẩn bị hành quân đến Khố Luân từ Nội Mông. Thư nói rằng do người Khách Nhĩ Khách nhận được ân đức từ triều đình Thanh trong quá khứ, Khutuktu đã ra lệnh huy động 4000 binh sĩ tiến về Bắc Kinh để bảo vệ Hoàng đế, Tam Đa được yêu cầu cung cấp cho những binh sĩ này lương thực và vũ khí, và có ba giờ để trả lời. Không có trả lời, một đoàn quý tộc và lạt ma đến văn phòng của biện sự đại thần, và thông báo cho ông về quyết định tuyên bố độc lập và lập Khutuktu làm hoàng đế. Tam Đa cầu xin đoàn, thừa nhận những điều trải qua là kết quả của hành động dại dột của bản thân, và hứa tiến cử quyền tự trị hoàn toàn cho Mông Cổ thay vì độc lập. Đoàn trả lời rằng họ đến chỉ là để đưa ra thông điệp, không phải tranh luận về nó. Tam Đô được lệnh phải rời đi trong vòng 24 giờ.[15]

Tam Đa không thể làm được nhiều, ông chỉ có 150 binh sĩ và họ đang trong tâm trạng khó chịu vì bị nợ lương. Ngày hôm sau, các binh sĩ của Tam Đa bị giải giáp bởi người Mông Cổ cùng quân Cossack Nga hộ tống lãnh sự dưới quyền Grigory Semyonov. Tam Đa cùng thuộc hạ chuyển vào lãnh sự quán Nga nhằm đảm bảo an toàn của bản thân.

Ngày 30 tháng 11 năm 1911, người Mông Cổ thành lập Chính phủ lâm thời Khách Nhĩ Khách. Ngày 5 tháng 12, Tam Đa rời Mông Cổ với sự hộ tống của người Nga.[16] Nhà đương cục Đại Thanh tại phần còn lại của quốc gia nhanh chóng sụp đổ, và cũng trong tháng 11 hoặc trong tháng 1 năm 1912, Ô Lý Nhã Tô Đài tướng quân tại miền tây Mông Cổ, các thuộc cấp và cận vệ của ông ta, hòa bình rời đi dưới sự bảo hộ của quân Cossack. Tuy nhiên, Khoa Bố Đa tham tán đại thần quyết định kháng cự, hy vọng vào quân tiếp viện từ Tân Cương. Tuy nhiên, quân tiếp viện đến quá trễ, thị trấn bị quân Mông Cổ bao quanh, phân đội tiếp viện bị tiêu diệt. Tháng 8 năm 1912, đồn lũy của ông ta bị quân Mông Cổ tràn vào, ông ta cùng những thuộc hạ được người Cossack hộ tống ra khỏi Mông Cổ.[17]

Ngày 1 tháng 12, Chính phủ Lâm thời Khách Nhĩ Khách ban bố một tuyên bố chung công bố kết thúc sự cai trị của triều Thanh và thiết lập một chế độ thần quyền dưới quyền Jebtsundamba Khutuktu. Đến cuối tháng, ngày 29 tháng 12, Khutuktu chính thức được lập làm Bodg Khaan (Bác Khắc Đa Hãn) của quốc gia Mông Cổ mới. Trong Cách mạng, hầu hết việc chuyển giao quyền lực diễn ra có trật tự, song một số cửa hàng của người Hán tại Khố Luân bị cướp bóc đốt phá. Đặc điểm tương đối hòa bình này là do tính hiện thực của nhà đương cục Đại Thanh tại Mông Cổ, và một phần không nhỏ là sự hiện diện của các binh sĩ Nga, những người cung cấp sự bảo hộ đối với giới chức và binh sĩ Đại Thanh.